-
Tổng quan dự án WB7
-
Giới thiệu Dự án Cải thiện Nông nghiệp có tưới (VIAIP)
Ngày đăng: 02/04/2017Lượt xem: 2039Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (The Vietnam Irrigated Agricultural Improvement Project-VIAIP) được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển Quốc tế (International Development Association - IDA - WB) và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (GOVN). Hiệp định vay đã được ký vào ngày 24/4/2014 và có hiệu lực từ ngày 22/7/2014. Dự án đã được khởi động từ Quý 2 năm 2014 và có thời gian thực hiện 6 năm 2014 - 2020. Tổng kinh phí của dự án là 210 triệu USD , trong đó 180 triệu USD từ IDA và 30 triệu USD là vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam.1. Giới thiệu chung về Dự án Cải thiện Nông nghiệp có tưới (VIAIP)
Mục tiêu của dự án là cải thiện một cách bền vững hệ thống sản xuất nông nghiệp có tưới tại 7 tỉnh (3 tỉnh vùng Miền núi phía bắc và 4 tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ) Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Trị và Quảng Nam.
Tổ chức thực hiện dự án:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (MARD) là cơ quan chủ quản cho toàn bộ dự án, đại diện cho Chính phủ làm việc với nhà tài trợ trong việc thực hiện dự án.
- Chủ dự án là Cơ Quan Quản lý Dự án Trung ương (Central Project Ofice - CPO) thuộc Bộ NN&PTNT. Ban Quản lý Dự án Trung ương (CPMU) được CPO thành lập để quản lý trực tiếp dự án và phối hợp với các cơ quan khác, với Ngân hàng, với chính quyền các tỉnh và các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN&PTNT về thực hiện dự án.
- Ủy ban Nhân dân tỉnh (PPC) là cơ quan chủ quản của các tiểu dự án tại tỉnh. Bộ NN&PTNT chuyển giao trách nhiệm mọi khía cạnh của việc thực hiện tiểu dự án tới Sở NN&PTNT tỉnh, và Sở chịu mọi trách nhiệm về các hoạt động của tiểu dự án trên địa bàn tỉnh. Ủy ban Nhân dân tỉnh là cơ quan điều phối các sở, ban ngành trong tỉnh về việc thực hiện các công việc liên quan đến thực hiện tiểu dự án, bao gồm việc thu hồi đất, đền bù tái định cư, lập và thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường v..v… theo quy định của Nhà nước và nhà tài trợ.
- Ban Quản lý Dự án tỉnh (PPMU) được UBND tỉnh thành lập tại mỗi tỉnh thuộc dự án. PPMU có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ các hoạt động của dự án trên địa bàn tỉnh, tiến hành công tác về đấu thầu, giám sát xây dựng, thực hiện kế hoạch giải phóng mặt bằng và tái định cư, thực hiện các kế hoạch về môi trường và xã hội theo hướng dẫn của dự án, cũng như hoạt động theo hệ thống quản lý tổng thể của dự án được quy định trong Nghị định 38/2013/NĐ-CP ngày 23/4/2013 của Chính phủ, và các nhiệm vụ khác được Bộ NN&PTNT ủy quyền phù hợp với cam kết trong hiệp định tài trợ.
- Để hỗ trợ thực hiện hợp phần 3, tại Bộ NN&PTNT đã thành lập Tổ Chuyên gia chuyên trách hợp phần 3: gồm 5 cán bộ (3 cán bộ từ Cục Trồng trọt, 01 cán bộ từ Cục Bảo vệ thực vật và 01 cán bộ từ Tổng cục Thủy lợi), do 01 cán bộ của Cục Trồng trọt làm tổ trưởng. Tổ Chuyên gia chuyên trách hợp phần 3 sẽ chịu trách nhiệm giúp Cục trưởng Cục Trồng trọt trong quản lý toàn bộ các hoạt động thuộc hợp phần 3; tại mỗi dự án thành phần các tỉnh Dự án cũng thành lập Tổ cán bộ hỗ trợ cấp tỉnh gồm các cán bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT (từ Phòng trồng trọt, Chi cục bảo vệ thực vật, Trung tâm khuyến nông tỉnh v..v…) hỗ trợ các hoạt động chuyên môn cho Ban Quản lý dự án tỉnh.
Mục tiêu cụ thể gồm:
- Cải thiện thể chế, chính sách trong quản lý thủy lợi của các tỉnh vùng dự án, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và cung cấp dịch vụ tưới/tiêu;
- Hoàn thiện, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng các hệ thống tưới tiêu trong dự án, đảm bảo bền vững công trình và phát huy hiệu suất phục vụ với công suất thiết kế;
- Chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp của các tỉnh vùng dự án theo hướng thâm canh, chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng và thích ứng biến đổi khí hậu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập của người nông dân;
- Nâng cao năng lực quản lý, thực hiện dự án, quản lý môi trường, xã hội trong quản lý thủy lợi và sản xuất nông nghiệp.
Dự án có 4 hợp phần:
Hợp phần 1: Hỗ trợ cải thiện quản lý tưới (9,5 triệu US$)
Mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả của các hệ thống tưới thông qua cải thiện năng lực thể chế và chính sách trong quản lý hệ thống và cung cấp dịch vụ tưới tiêu hiện đại theo hướng thị trường.
Hợp phần 2: Nâng cấp hệ thống tưới tiêu (170,5 triệu US$)
Mục tiêu là đảm bảo công suất phục vụ các hệ thống tưới tiêu chưa hoàn chỉnh được lựa chọn của 7 tỉnh vùng dự án, đảm bảo bền vững công trình trước rủi ro bão lũ, giảm chi phí vận hành, bảo dưỡng. Đầu tư hoàn chỉnh các hệ thống nhằm phát huy hết hiệu ích đồng vốn đầu tư.
Hợp phần 3: Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (23 triệu US$)
Hợp phần này sẽ xây dựng trên cơ sở hạ tầng thủy lợi được cải thiện trong Hợp phần 2 để nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất nông nghiệp, tăng hiệu ích sử dụng nước, tăng thu nhập cho nông dân và giảm tính dễ tổn thương với các sự kiện khí hậu bất lợi, đồng thời giảm phát thải gây tác động tiêu cực môi trường từ sản xuất nông nghiệp, từ đó đúc rút kinh nghiệm để nhân rộng trên toàn vùng và cả nước.
Hợp phần 4: Quản lý dự án, giám sát và đánh giá (7 triệu US$)
Hợp phần này hỗ trợ hoạt động quản lý thực hiện dự án và tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý dự án của Bộ NN&PTNT và 7 tỉnh vùng dự án nhằm đảm bảo hiệu ích dự án, thực hiện dự án tuân thủ các quy chế quản lý đầu tư trong nước và quy định của nhà tài trợ.
2. Các hoạt động của Hợp phần 3
Hợp phần 3 có 9 hoạt động sau:
(1) Tăng cường năng lực cho cán bộ từ cấp trung ương, cấp tỉnh và các tổ chức/hợp tác xã dùng nước về biến đổi khí hậu và tập quán canh tác nông nghiệp thông minh thích ứng khí hậu; Tổ chức các lớp học đồng ruộng cho nông dân tham gia dự án (Farmer Field School) về thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (như ICM, IPM, SRI, v.vvv.), thực hành tưới tiết kiệm nước, xử lý và sử dụng rơm rạ sau thu hoạch, kỹ thuật bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, v..v…
(2) Hỗ trợ các tổ chức dùng nước lập và thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp thông qua phương pháp tiếp cận có sự tham gia, lồng ghép kế hoạch hành động giới trong các hoạt động. Các kế hoạch sẽ xác định yêu cầu của nông dân để có sự hỗ trợ từ dự án, bao gồm: (i) hạ tầng quy mô nhỏ; (ii) các công cụ và thiết bị nhỏ; (iii) các vật tư đầu vào cần thiết, ví dụ như giống chất lượng, phân hữu cơ, vi sinh, chế phẩm sinh học; (iv) dịch vụ hỗ trợ thu hoạch; và (v) cơ sở và phương tiện sơ chế, bảo quản sau thu hoạch.
(3) Hỗ trợ các điểm trình diễn và phổ biến thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu (như ICM, IPM, SRI) và hệ thống tưới tiết kiệm nước, bao gồm các vật tư đầu vào quan trọng và hướng dẫn áp dụng kỹ thuật mới, thăm quan học tập kinh nghiệm cho nông dân.
(4) Thí điểm thí nghiệm phân tích và cung cấp phiếu kết quả chất lượng đất để đảm bảo tối ưu hàm lượng phân bón, giảm sử dụng phân bón nhằm giảm chi phí sản xuất và phát thải gây ô nhiễm môi trường. Lập bản đồ sử dụng đất cho đa dạng hóa cây trồng có tính đến loại đất, thông số về thời tiết và điều kiện tưới, tiêu để xác định diện tích có thể đa dạng hóa cây trồng trong diện tích phục vụ của dự án;
(5) San bằng mặt ruộng, có thể ứng dụng công nghệ la-de cho các diện tích lớn được lựa chọn để xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu lớn; Thiết kế chuyển giao mô hình đồng ruộng và hệ thống tưới nội đồng;
(6) Giới thiệu các công nghệ sau thu hoạch, sử dụng các phương tiện truyền thông để thúc đẩy hoạt động CSA, bao gồm cả khuyến cáo sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật dựa trên nhu cầu và dự báo thời tiết;
(7) Xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước (tưới phun, nhỏ giọt…);
(8) Thông qua việc xây dựng các mô hình để tổng kết, đánh giá, đề xuất với Bộ và các địa phương xây dựng chính sách, hướng dẫn kỹ thuật phục vụ quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh, hướng tới hiện đại hóa, từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp sang cơ giới hóa, hiện đại hóa, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu.
(9) Phát triển hệ thống quản lý, liên kết và phổ biến kiến thức về sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thông tin về giảm khí thải từ trồng lúa, và ứng dụng công nghệ viễn thám trong quản lý cây trồng tại Cục Trồng trọt.Cây dữ liệu:Dữ liệu liên quan:
- Liên kết website
- Thăm dò ý kiến
-
Bạn thấy nội dung trên chuyên trang CSA như thế nào?Phong phú, đa dạngTạm đượcCần bổ sung thêmBình chọnKết quả
Bạn thấy nội dung trên chuyên trang CSA như thế nào?
Tổng số:154 phiếu
|
|||
---|---|---|---|
Phong phú, đa dạng | 81,8 81,8% |
126 phiếu | |
Tạm được | 4,5 4,5% |
7 phiếu | |
Cần bổ sung thêm | 13,6 13,6% |
21 phiếu |
Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0243-8234651; FAX: 0243-7344967; Email: tt@mard.gov.vn
© Hệ thống cơ sở dữ liệu csa - Version 1.0
Được phát triển bởi Cty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển Tâm Việt