-
Tác động BĐKH
-
Tổng kết các biện pháp thích ứng với BĐKH đã được áp dụng cho nông nghiệp tại các vùng
Ngày đăng: 14/06/2017Lượt xem: 1137Dương Đức Vĩnh kết luận rằng trên đất dốc dưới 150 thì cây mía đường rất phù hợp về mặt thổ nhưỡng, các yếu tố khí hậu, mang lại năng suất ổn định và cao hơn nhiều loại cây trồng khác, cây mía phát triển trên đất dốc Bắc Thái tránh được sự cạnh tranh với cây lương thực, thực phẩm ở đất bằng mà còn có tác dụng cải tạo đất chống xói mòn tốt hơn một số cây trồng khác.(1) Vùng núi và Trung du phía bắc- Biện pháp canh tác trên đất dốc
Dương Đức Vĩnh kết luận rằng trên đất dốc dưới 150 thì cây mía đường rất phù hợp về mặt thổ nhưỡng, các yếu tố khí hậu, mang lại năng suất ổn định và cao hơn nhiều loại cây trồng khác, cây mía phát triển trên đất dốc Bắc Thái tránh được sự cạnh tranh với cây lương thực, thực phẩm ở đất bằng mà còn có tác dụng cải tạo đất chống xói mòn tốt hơn một số cây trồng khác.
Trên vùng núi cao Sa Pa, Lào Cai bảo vệ tài nguyên đất dốc và rừng đầu nguồn là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, tuy nhiên việc bảo vệ đất và rừng vẫn phải dựa trên cơ sở đảm bảo đời sống của người dân thiểu số. Kết hợp 2 mục đích này Viện Dược Liệu, 2000 kết luận rằng mô hình vừa có hiệu quả kinh tế cao vừa bảo vệ đất, rừng mà đại đa số nông hộ trên đất dốc có thể áp dụng được là lồng ghép các loại cây trồng với cây dược liệu trên hiện trạng giao đất giao rừng hiện có. Các kỹ thuật trồng băng cây xanh theo đường đồng mức cắt dòng chảy dùng các cây lâm nghiệp kết hợp với các loài cây thuốc dài ngày như Câu đằng, Hà thủ ô đỏ, Đỗ trọng, Hoàng bá, Ngũ gia bì gai… có thể đạt độ che phủ thực vật cao trong suốt 11-12 tháng/năm, có tác dụng rất lớn trong việc bảo vệ đất, chống xói mòn, tăng tích lũy carbon trong đất.
Đối phó với sự xói mòn rửa trôi trên đất dốc vùng núi phía Bắc, Đinh Ngọc Lan, 2000 đã tìm ra một số giải pháp như sử dụng băng cây xanh theo đường đồng mức, sử dụng các loại băng bằng cốt khí, cỏ vertiver và nhất là băng kép cỏ vertiver và băng cốt khí có hiệu lực ngăn chặn xói mòn đất một cách chắc chắn, giảm 50-60% tổn thất do xói mòn và cung cấp một lượng lớn hữu cơ, phân xanh tại chỗ lên đến 7,47 tấn/ha/năm, đảm bảo sử dụng bền vững đất trên vùng núi. Với điều kiện của người dân tộc Mường tại Hòa Bình việc quản lý rừng đầu nguồn rất khó khăn nếu không kết hợp với thu nhập và nhu cầu của gia đình. Việc quản lý thực vật ngoài gỗ rất quan trọng và Phạm văn Điền và Nguyễn Bá Ngãi đã kết luận kinh doanh thực vật ngoài gỗ là 1 lựa chọn khôn khéo để lồng ghép hoạt động bảo tồn rừng với cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân ở vùng phòng hộ, hồ thủy điện Hòa Bình. Việc lựa chọn loại thực vật ngoài gỗ phải do chính người dân lựa chọn và cần được điều chỉnh phù hợp cho từng địa phương và vùng lãnh thổ với tập quán, văn hóa, dân số và nhu cầu khác nhau.
Đánh giá các hệ thống nông lâm kết hợp trên vùng Chợ Đồn, Bắc Kạn, Nguyễn Thúy Hà, 2004 đã cho thấy một số mô hình nông lâm kết hợp có triển vọng như Mỡ xen ngô, sắn; xoan xen lúa nương/dứa; và quế xen chè không những phù hợp với điều kiện tự nhiên địa phương mà còn được nông dân chấp nhận tiếp thu. Trong đó mô hình quế xen chè có hiệu quả kinh tế cao nhất và mô hình xoan xen lúa nương/dứa có hiệu quả thấp nhất.
Đối với các mô hình trồng cây ăn quả thì Đào Thanh Vân, 2004 cho thấy việc khuyến khích và triển khai các mô hình trồng mới nhãn, vải theo phương thức thâm canh vừa có tác dụng bảo vệ đất gò đồi vừa phát huy được thế mạnh của diện tích đất rộng trên vùng núi trung du và đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo và nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc miền núi.
Đánh giá lại các nghiên cứu dài hạn về quản lý đất dốc Nguyễn Huệ và Thái Phiên, 2004 đã khẳng định canh tác có áp dụng các biện pháp cải tạo đất là biện pháp tốt nhất bảo đảm tính ổn định lâu dài trong sử dụng đất dốc. Cụ thể áp dụng một trong những biện pháp trồng băng chắn, trồng xen, bón phân khoáng, tạo bậc thang theo đường đồng mức, trồng cây phủ đất có thể giảm lượng đất trôi từ 20 đến 50% đối với cây hàng năm, và 50-80% đối với chè và vải, năng suất cây trồng và giá trị thu nhập tăng 20-40%. Kết hợp 2 hoặc nhiều biện pháp có thể giảm lượng đất trôi 50-90%, tăng sản lượng cây trồng và giá trị thu nhập từ 40% đến gần 100%. Bón phân là biện pháp vừa bù lại lượng dinh dưỡng bị rửa trôi, bị cây hút, lại vừa làm tăng năng suất cây trồng trên đất dốc do tính mẫn cảm với phân bón của chúng trên đất nghèo dinh dưỡng và hạn chế nước.
Trên địa hình dốc và khó canh tác và thường xuyên bị khô hạn như Hà Giang thì việc tạo ruộng bậc thang đem lại tác dụng rất to lớn trong việc giữ lại nguồn nước phục vụ canh tác cây lương thực, cụ thể là có thể tăng thêm vụ, tăng năng suất và sản lượng lúa mùa, đặc biệt là nếu có sự can thiệp của bón phân. Trên những vùng đất dốc, ruộng bậc thang này vùi phụ phẩm cây trồng vụ trước cho lúa mùa có thể tăng năng suất lúa từ 324 đến 569 kg/ha. Trên những vùng trồng chè, nếu nông dân bón phân khoáng, trồng băng chắn, trồng xen cỏ Ruzi và ủ gốc chè có thể tăng năng suất chè búp từ 1428 đến 1620 kg/ha/năm (Trần Thị Tâm, 2004)
(2) Vùng Đồng bằng Sông Hồng- Biện pháp về thâm canh lúa nước
Đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất phì nhiêu và ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hạn chế. Tuy nhiên, trên vùng thượng nguồn của ĐBSH hiện nay có một diện tích đất bạc màu rất lớn với tốc độ bạc màu ngày càng nhanh. Giải pháp để thích ứng với những loại đất này là trả lại phế phụ phẩm từ cây vụ trước cho cây trồng vụ sau vừa tăng năng suất cây trồng vừa cải thiện tính chất đất, cải tạo đất bị rửa trôi (Nguyễn Văn Đại và Trần Thu Trang, 2004).
Kết quả nghiên cứu của Nguyễn Thị Chinh và cs (1997) sử dụng kỹ thuật che phủ nilon cho lạc xuân trên đất phù sa cổ sông Hồng Hoài Đức, Hà Tây cho thấy nếu áp dụng kỹ thuật che phủ nilon thì sẽ rút ngắn được thời gian từ gieo đến mọc là 5-18 ngày và tăng năng suất lạc xuân lên từ 12 đến 42% so với đối chứng không phủ nilon. Đặc biệt kỹ thuật này rất tốt cho những vùng có khó khăn về nước trong thời gian gieo, ví dụ trong vụ xuân lạc có thể gieo sớm trong tháng 1 được che phủ nilon mà không bị ảnh hưởng tỷ lệ mọc mầm và sinh trưởng của cây con, năng suất có thể tăng so với đối chứng 42%.
Ngoài ra, trong bối cảnh bị tác động của BĐKH trong thời gian gần đây, rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của vùng. Trước những ảnh hưởng đó, các nhà nghiên cứu, điều hành sản xuất và người dân cũng có nhiều sáng kiến trong việc tự thích ứng với BĐKH của vùng mình. Một số biện pháp thích ứng được mô tả như sau:
(i) Phục tráng giống địa phương
Những kinh nghiệm này đã có từ lâu ở Hải Phòng và các tỉnh đồng bằng ven biển có điều kiện canh tác tương tự về chế độ ngập úng, nhiễm mặn cục bộ và phân bố rải rác khắp trên toàn tỉnh, hầu hết là những vùng úng trũng và xa hệ thống tiêu. Việc xây dựng hệ thống tiêu trên những vùng này có thể không thực hiện được hoặc rất đắt đỏ so với lợi ích kinh tế đem lại cho người dân trong vùng. Tại những vùng này, các loại giống tiến bộ cũng đã được giới thiệu vào sản xuất nhưng vì tính chống chịu với các điều kiện úng ngập, phèn mặn kém mà năng suất không cao hoặc không đạt hiệu quả kinh tế cao. Trong khi đó các giống địa phương đã được nông dân địa phương gieo cấy lâu đời trên những địa bàn này với tính chống chịu úng ngập, chua phèn mặn tốt. Những kinh nghiệm này rất phổ biến và thường đạt hiệu quả kinh tế cao tại các địa bàn úng ngập cục bộ dọc theo dải ven biển. Các giống đại diện được sử dụng rộng rãi ngày xưa và vẫn còn lưu truyền và sử dụng ngày nay là các giống “Chiêm Bầu” với tính chịu mặn cao và các giống “Tép” với tính chịu úng cao. Tại Hải phòng diện tích các giống này trong cơ cấu cây trồng vẫn còn tồn tại mà các giống thâm canh cao khác không thay thế được. Hơn nữa, về mặt thị trường các giống địa phương có chất lượng tốt, giá bán cao hơn. Vì vậy, mặc dù năng suất thấp hơn nhưng nông dân vẫn có thu nhập cao do phục tráng và sử dụng các giống địa phương.
(ii) Thay đổi cơ cấu giống tăng tỷ lệ giống ngắn ngày
Trong những năm gần đây các hiện tượng thời tiết bất thường như ENSO với các hiệu ứng vụ xuân ấm lạnh xảy ra với tần suất xuất hiện ngày càng dày hơn. Vụ xuân ấm với nhiệt độ trung bình cao (ví dụ trên 200C) trong suốt quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Hiện tượng này dẫn đến mạ nhanh già, lúa bị rút ngắn thời gian sinh trưởng do sớm đạt tổng tích ôn và trải qua các giai đoạn sinh lý cần thiết trong khi sản phẩm quang hợp và quá trình tổng hợp hydrate carbon còn thấp, sinh khối nhỏ, các yếu tố cấu thành năng suất như số bông trên mét vuông, chiều dài bông, số hạt trên bông và đặc biệt là số hạt lép. Hậu quả là lúa trỗ bông sớm hơn vụ xuân bình thường khoảng 2 tháng với hình thái cây rất thấp, mật độ bông thấp, bông ngắn, tỷ lệ lép cao và tất nhiên là năng suất lúa bị giảm nghiêm trọng tới 70%. Giống lúa càng dài ngày thì ảnh hưởng càng nặng nề, suy giảm năng suất càng cao, thậm chí không được thu hoạch trong khi các giống lúa ngắn ngày mức suy giảm năng suất thấp hơn, hoặc một số biện pháp kỹ thuật có thể được áp dụng xử lý kịp thời như gieo lại, bón phân rải, bón phân đạm muộn để tăng thời gian sinh trưởng của lúa, thay bằng mức suy giảm năng suất khoảng 70% thì mức suy giảm năng suất ở các giống ngắn ngày có thể chỉ khoảng 30%. Hiện tượng này rất phổ biến và tần suất xuất hiện ngày một cao trong những năm gần đây ở ĐBSH, ví dụ các vụ xuân ấm năm 1991, 1997, 2004 đã làm bình quân năng suất lúa của toàn vùng giảm mạnh. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp với sự can thiệp quyết liệt của các nhà khoa học nông nghiệp, khuyến nông và của những người nông dân năng động, có kinh nghiệm thì sự suy giảm năng suất được giữ ở mức thấp nhất có thể.
Trong trường hợp vụ xuân lạnh bất thường thì hầu hết mạ lúa xuân dài ngày bị ảnh hưởng chết hoặc thiệt hại nặng nề. Khi nhiệt độ quá thấp, thời gian sinh trưởng của lúa bị kéo dài, cạnh tranh thời gian của lúa vụ mùa tiếp theo trong cơ cấu 3 vụ. Mặt khác thời gian sinh trưởng kéo dài sẽ phải đối mặt với sự phá hoại của các loại dịch hại cây trồng nở rộ khi thời tiết cuối vụ phù hợp gây tổn thất lớn. Vì vậy, các giống lúa dài ngày truyền thống như VN10, DT10, 13/2 (170 – 190 ngày) dần dần bộc lộ rõ nhược điểm và chúng được thay thế bằng các loại giống ngắn ngày, ví dụ rất rõ là ở Thái Bình hầu hết là giống lúa dài ngày vào những năm 80 nhưng chúng giảm xuống còn khoảng 50% vào những năm 2000 và ngày nay thì hầu như đã được thay thế hoàn toàn bằng các giống ngắn ngày.
Theo thống kê, trong 11 tỉnh của ĐBSH diện tích canh tác lúa đông xuân chỉ còn 12,5% và diện tích lúa xuân muộn đã tăng lên 83,7% và cho năng suất vừa ổn định hơn vừa cao hơn năng suất lúa đông xuân (Bảng 2.16).
Bảng 2.16: Sự thay đổi diện tích gieo trồng các trà lúa và năng suất ở ĐBSH trong 10 năm gần đây
STT
Tỉnh
Đông xuân (xuân sớm)
Xuân muộn
Thay đổi (+)/ (-)
% diện tích
Năng suất (tấn/ha)
% diện tích
Năng suất (tấn/ha)
% diện tích
Năng suất (tấn/ha)
1
Ninh Bình
5,60
5,02
94,40
6,23
88,80
1,21
2
Nam Định
1,00
6,09
99,00
7,02
98,00
0,93
3
Vĩnh Phúc
16,50
4,72
83,40
5,64
66,90
0,92
4
Hà Nội
6,20
4,82
70,80
5,63
64,60
0,81
5
Hà Nam
0,10
5,19
95,80
5,86
95,70
0,67
6
Hà Tây cũ
2,60
5,74
95,10
6,08
92,50
0,34
7
Bắc Ninh
3,00
5,81
90,20
6,00
87,20
0,19
8
Hải Dương
37,90
6,45
61,60
6,64
23,70
0,19
9
Hải Phòng
31,40
6,01
62,80
6,12
31,40
0,11
10
Hưng Yên
6,70
6,47
94,30
6,45
87,60
-0,02
11
Thái Bình
26,70
7,04
73,30
6,87
46,60
-0,17
Trung bình
12,52
5,76
83,70
6,23
71,18
0,471
Nguồn: Lê Hưng Quốc, 2009 và theo ước tính của các Sở NN&PTNT
(iii)Thay đổi thời vụ
Sự phân bố mưa tại ĐBSH thường cao nhất vào các tháng 7 đến đầu tháng 9 trong khi thời gian thu hoạch của lúa mùa là từ sau 20 tháng 9. Các kết quả quan trắc cho thấy tần suất xuất hiện các trận mưa cực lớn (cả về lượng và cường độ) ngày một tăng và xuất hiện muộn dần đến thời điểm thu hoạch lúa mùa, điều này có thể gây thiệt hại nặng nề cho mùa vụ như các trận mưa lịch sử năm 2004, 2007 và 2008. Chính vì nguyên nhân đó mà lịch sản xuất mùa vụ cũng phải thay đổi dần để thích ứng với điều kiện thời tiết khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ lụt gây ra. Cụ thể tại nhiều nơi thời gian cấy lúa mùa được tiến hành sớm hơn so với kế hoạch cũ (từ sau 20 tháng 6). Việc dịch chuyển lịch canh tác này đảm bảo được 2 mục tiêu: thứ nhất là lúa mùa có thể được thu hoạch sớm hơn, trước khi các đợt mưa lớn có thể xuất hiện, tránh được mất mùa; thứ hai lúa mùa thu hoạch sớm, đất đai sẽ được giải phóng sớm phục vụ cho triển khai vụ đông như ngô đông, đậu tương đông, đặc biệt là đậu tương đông khi thời gian gieo càng sớm thì càng cho năng suất cao hơn. Cho đến nay, tại một số địa phương, đậu tương đông đã trở thành mùa vụ quan trọng trong cơ cấu cây trồng.
(iv)Dịch chuyển các loại cửa cống lấy nước
Do tác động của BĐKH, mực nước biển dâng lên tăng cùng lúc với cạn kiệt nguồn nước sông do khả năng giữ nước giảm. Nước mặn ngày càng xâm nhập và đi sâu vào trong đất liền dọc theo các cửa sông, hiện tượng này rất phổ biến ở các vùng đồng bằng ven biển vào mùa khô, mực nước trong lòng sông xuống thấp, không đủ áp lực đẩy nước triều, do vậy nước biển sẽ đi sâu vào trong đất liền theo các hệ thống cửa sông. Nếu các hệ thống cống lấy nước phục vụ tưới không đóng lại thì nước mặn sẽ đi vào đồng ruộng, gây mặn hóa và thoái hóa đất. Đương nhiên vào thời điểm này việc lấy nước tưới ở các sông tại nơi đang bị nước biển xâm nhập là không thể tiến hành được. Để đảm bảo nước tưới cho các vùng nằm trong dải nhiễm mặn thì hệ thống thủy nông phải thay đổi bằng cách lấy nước ngọt ở phía thượng lưu của dòng sông và nhả nước ngọt theo hệ thống kênh mương nội đồng xuống vùng hạ lưu. Để thích ứng được vấn đề này việc đầu tiên là phải tăng cường các cống lấy nước ngọt tại dải thượng lưu dòng sông đồng thời cải tạo lại hệ thống thủy nông nội đồng để đảm bảo nước tưới kịp thời cho các đất canh tác ở vùng hạ nguồn và cửa sông. Kinh nghiệm này đang được triển khai rất phổ biến ở Giao Thủy, Nam Định và Nga Sơn Thanh Hóa.
(v) Tăng cơ cấu các giống chịu mặn
Trước đây, nông dân đã có cả một tập đoàn các loại giống chịu mặn để cấy tại những vùng chưa được ngọt hóa như Chiêm Bầu, Tép v.v… tuy nhiên các giống địa phương có nhiều nhược điểm như cao cây, dễ đổ, năng suất thấp và thời gian sinh trưởng dài. Qua một quá trình dài sản xuất với các loại giống lúa lai chúng ta đã khẳng định được ưu thế vượt trội của giống lúa này là thích hợp tốt với những vùng đất có vấn đề trũng hay ở những vùng đất nhiễm mặn, phèn và ngập nước sâu hơn bình thường bởi chúng có hệ thống rễ khỏe, thân cứng và khả năng hút dinh dưỡng mạnh. Lúa lai được giới thiệu vào sản xuất tại nước ta vào vụ mùa năm 1991, sau đó chúng được trồng rộng rãi tại 36 tỉnh ở tất cả các vùng. Diện tích lúa lai đã tăng từ 100ha năm 1991 lên 187.700 ha năm 1997 và 527.104 ha năm 2004. Tốc độ tăng trung bình năm của diện tích lúa lai là 38.9% (DCP, 2005). Các số liệu thống kê cho thấy năng suất lúa lai thường cao hơn so với lúa thường 20% (Nguyễn Văn Hoan, 2005). Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Viện Môi trường Nông nghiệp cũng cho thấy lúa lai rất thích hợp và được nông dân đánh giá cao tại các vùng ven biển và có khả năng chịu mặn khá. Kết luận này cũng thống nhất với kết luận của Cục Trồng Trọt, Bộ NN&PTNT (2005). Bởi vậy, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã thay đổi chiến lược phát triển lúa lai từ chỗ tập trung phát triển lúa lai trên toàn bộ miền Bắc Việt Nam bằng việc triển khai phát triển chúng trên các vùng ven biển trong đó có cả Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ.
(3) Vùng Duyên hải Trung Bộ- Biện pháp canh tác trên đất cát
Đặc trưng của vùng này là nhiều đất cát ven biển, đất cát có hàm lượng chất hữu cơ và chất dinh dưỡng cây trồng thấp. Mặt khác vùng này lại thường xuyên có những trận hạn vào đầu vụ xuân và vụ mùa gây giảm năng suất cây trồng, nhất là các loại cây màu. Để khắc phục tình trạng này theo Đoàn Thị Thanh Nhàn (2006) nếu trồng xen lạc, đậu tương với mía trong điều kiện có che phủ nilon cho lạc, đậu tương có tỷ lệ mọc mầm cao, thời gian mọc nhanh, mọc đều và có ảnh hưởng gián tiếp làm tăng tỷ lệ mọc mầm và rút ngắn thời gian mọc mầm của mía. Năng suất của lạc, đậu tương cũng được nâng cao đến 1,27 tấn/ha, năng suất mía cũng có xu thế tăng cao đến 100 tấn/ha. Kỹ thuật này cũng góp phần tăng cường sử dụng có hiệu quả nguồn đất, giảm thiệt hại do hạn hán cuối vụ, lợi dụng được những ưu thế dinh dưỡng của từng cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Nghiên cứu về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với quá trình chịu hạn trên đất cát vùng bán sơn địa của tỉnh Thừa Thiên Huế; Trần Tiến Hùng (1997) cho rằng việc đưa cây lạc và đậu xanh vào thay dần cây lúa trên vùng bán sơn địa của Thừa Thiên Huế là cần thiết. Đồng thời lịch thời vụ thích ứng với các thiệt hại do úng đầu vụ và lụt tiểu mãn là gieo trồng vào vụ đông xuân. Tuy nhiên để an toàn cho vụ này thì cần phải sử dụng giống liền vụ và xử lý thúc mầm trước khi gieo. Trên vùng đất cát việc tìm ra hệ thống cây trồng thích hợp cũng rất nan giải. Trần Xuân Lạc (1997) cũng khuyến cáo rằng các công thức luân canh nên có cả cây lạc vì chúng cho hiệu quả kinh tế cao. Với hệ thống nông lâm kết hợp thì công thức xen phi lao và cây màu thì cây trồng sinh trưởng tốt, biến động về độ ẩm và nhiệt độ trong rừng phi lao là thấp nhất. Tuy nhiên hệ nông lâm kết hợp cây keo lá chàm sẽ có tích lũy carbon cao nhất. Một số biện pháp mà người dân đang thực hiên phổ biến để thích ứng ngay với những tác động bất lợi của BĐKH như:
(i) Tìm nguồn nước tưới mới
Kinh nghiệm này đang được áp dụng tại Thanh Hóa khi sự xâm nhập mặn xảy ra mạnh mẽ, nước biển có lúc tiến sâu vào đất liền tới 50km dọc theo đường cửa sông. Chính vì vậy vào mùa khô thì hầu hết nước sông tại vùng cửa sông bị nhiễm mặn với nồng độ muối cao hơn ngưỡng cho phép mà trước kia người dân trong vùng thường tưới trực tiếp nguồn nước tại đây. Trong khi nước ngọt tại vùng bị thiếu do nước mặn xâm lấn thì nước ngọt ở dòng sông chính của vùng vẫn còn tốt do áp lực nước thượng nguồn cao, đủ để đẩy nước mặn ra ngoài cửa sông. Một phương án tìm kiếm nước ngọt đã được triển khai để bơm nước ngọt từ sông chính sang sông nhỏ đã bị nhiễm mặn đồng thời đóng cống cửa sông của sông này để nước ngọt dâng lên phục vụ tưới cho lúa xuân.
(ii) Thay đổi cơ cấu luân canh cây trồng
Thay đổi cơ cấu luân canh cây trồng cũng đang được áp dụng tại các vùng không có nước tưới hoặc không đủ tưới cho lúa ở Thanh Hóa. Diện tích cấy lúa xuân được chuyển sang trồng các loại cây màu như ngô xuân, lạc, đậu tương và các loại rau màu khác có nhu cầu nước ít hơn lúa nhưng lại có thu nhập tốt hơn trồng lúa. Tuy nhiên kinh nghiệm này thường chỉ được áp dụng cho một số vùng nhất định, những nơi có địa hình vàn cao, không bị ngập với thành phần cơ giới nhẹ.
(4) Vùng bán khô hạn Nam Trung Bộ
Nam Trung Bộ có một diện tích rất lớn đất có yếu tố hạn chế là vùng bán khô hạn Ninh Thuận, Bình Thuận do có điều kiện thời tiết khắc nghiệt lượng bốc hơi lớn hơn lượng mưa, điều kiện đất đai có nhiều cát nghèo hữu cơ và các chất dinh dưỡng cây trồng. Vì vậy để canh tác cây trồng có năng suất cao cần rất nhiều sự đầu tư. Một số điều tra của Lê Công Nông, 2000 cho thấy các hệ thống mía có tưới là đạt hiệu quả cao nhất (tổng thu/tổng chi=2,49), tiếp đến là dưa lấy hạt (tổng thu/tổng chi=2,17) và khoai lang (tổng thu /tổng chi=2,03). Đặc biệt với cây mía, nếu bón lá mía già vào gốc trong giai đoạn 150-210 ngày tuổi thì có tác dụng làm ruộng mía thông thoáng, giảm lượng sâu đục thân gây hại, lá mía phủ rãnh và luống mía còn làm giảm xói mòn đất, rửa trôi dinh dưỡng. Ngoài ra, còn các biện pháp thích ứng đang được người dân thực hiện rộng rãi trong thực tế như:
(i) Chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản
Kinh nghiệm này được phổ biến nhiều ở NTB và ĐBSCL, tuy nhiên nó cũng được áp dụng cho hầu hết các vùng ven biển khi nước biển dâng cao, đất và nước tưới bị nhiễm mặn, hiệu quả kinh tế của trồng lúa và cói rất thấp do vậy nông dân đã lựa chọn sang nuôi trồng thủy sản. Năng suất cói ở những vùng này bị suy giảm từ 50-70%, nông dân đã xây dựng các ao thả cá ngay tại đồng ruộng của mình để nuôi cá và tôm. Thu nhập từ hệ thống canh tác mới thường cao hơn so với cơ cấu cũ (Nguyễn Văn Hoan, 2005). Tuy nhiên, mô hình canh tác này cũng chỉ được áp dụng trên một số vùng nhất định có điều kiện phù hợp thuận lợi cho việc chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản.
(ii)Chuyển lúa sang vườn cây ăn quả
Kinh nghiệm chuyển đổi lúa sang vườn cây ăn quả được áp dụng phổ biến rải rác ở khắp nơi trên cả nước từ khi có phong trào dồn điền đổi thửa, rất nhiều trang trại được hình thành với mô hình vườn – ao – chuồng - ruộng (VACR) tại vùng trũng, năng suất lúa thấp và bấp bênh do thường xuyên bị ngập và tiềm năng năng suất thấp. Tại vùng ĐNB và ĐBSCL thì những mô hình chuyển đổi này rất phổ biến và đã hình thành các vườn xoài, cam và các loại hoa quả có giá trị khác. Miệt vườn có thể hình thành do san lấp đất từ bên ngoài nhưng cũng có thể được thiết kế bằng phương pháp đào rãnh lên líp kết hợp cả trồng cây ăn quả và nuôi cá.
(5) Vùng Tây nguyên – Canh tác trên cao nguyên
Nghiên cứu cân bằng dinh dưỡng của Phạm Quang Hà và cs (2005) cho cây cà phê ở Tây Nguyên cho thấy để đảm bảo cho cà phê có năng suất cao và ổn định khoảng 4 tấn/ha và đất không bị thoái hóa thì lượng phân khoáng cần bón trên 1 ha là 220-230 kgN, 75-80 kg P2O5, 230-240 kg K2O, 5 tấn phân chuồng, 60-70 kg Ca và 30-40 kg Mg. Giữ ẩm cho đất cà phê tại Tây Nguyên có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo sinh trưởng và năng suất ổn định của cà phê, tăng cường chất hữu cơ cho đất (Võ Đình Quang, 1999). Đó là việc sử dụng các loại cây như cỏ vertiver làm hàng rào chắn xói mòn, giữ đất và nước lại vườn cà phê còn đậu mucuna thì dùng để thu hoạch sinh khối ủ vào gốc vừa tăng cường hữu cơ, đạm vừa giữ ẩm cho cây, bảo vệ bề mặt đất không bị nước mưa công phá và cuốn trôi.
(6) Đồng bằng sông Cửu Long - Canh tác trên vùng đất ngập nước
Tại các tỉnh phía nam vì có chế độ nhiệt và ánh sáng quanh năm ổn định và thuận lợi cho sự sinh trưởng phát triển của lúa nên người dân có thể trồng cấy quanh năm không phân biệt mùa vụ, không có quy hoạch về mặt không gian và thời gian, tạo ra các cánh đồng xôi đỗ và xen kẽ giữa các loại cây trồng, các lứa cây trồng khác nhau. Đây là điều kiện lý tưởng cho sự duy trì và lan truyền các loại dịch bệnh và sâu hại từ những ruộng đã thu hoạch sang những ruộng còn non. Mặt khác mùa vụ hỗn hợp này cũng khó khăn cho việc quản lý ngập lụt vào mùa mưa kể từ khi nước biển dâng lên và diện tích ngập lụt ngày càng nhiều. Một ví dụ tiêu biểu là đại dịch rầy nâu trong những năm trước đây đã phá hoại một diện tích rất lớn lúa của đồng bằng sông Cửu Long. Do vậy, vùng ĐBSCL tìm các giải pháp thích ứng cụ thể như sau:
(i) Thời vụ hóa các công thức luân canh
Công thức luân canh mới được hình thành từ khoảng năm 2004 với công thức chính là: Lúa đông xuân (tháng 11-tháng 2)-lúa mùa sớm (tháng 3-tháng 5)-lúa mùa trung (tháng 6-tháng 8) – lúa mùa muộn (tháng 9 – tháng 11). Đây là công thức luân canh lý tưởng cho cả vùng, tuy nhiên công thức luân canh phổ biến hiện nay là 3 vụ lúa bởi vì từ giữa tháng 9 mùa mưa bắt đầu kèm theo nước biển dâng và lũ từ đầu nguồn sông Cửu Long kéo về. Công thức luân canh mới có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn được sự lan truyền và kế thừa sâu bệnh, góp phần ổn định năng suất và sản lượng lúa của vùng. Tuy nhiên phụ thuộc vào độ thích nghi cây trồng mà người nông dân có thể bố trí các công thức luân canh với thu nhập khác nhau, ví dụ có thể thay thế 1 hoặc 2 vụ lúa bằng các loại cây trồng khác như dưa hấu, đậu tương, lạc với thu nhập cao hơn trồng lúa.
(ii) Mô hình lúa - cá
Mô hình này ngày càng được áp dụng phổ biến ở vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Tại các vùng này vào mùa mưa, mực nước biển lại dâng cao, kết hợp lũ thượng nguồn, diện tích ngập lụt ngày càng tăng, khả năng canh tác bị hạn hẹp, năng suất bấp bênh. Từ công thức luân canh cũ là 3 vụ lúa, ngày nay người nông dân mạnh dạn chuyển vụ lúa 3 sang nuôi cá ngay trên đồng ruộng của mình bằng cách dùng lưới quây xung quanh ruộng. Cá có thể được thu hoạch vào cuối mùa mưa, khi nước rút xuống và đất lại được sử dụng cho việc trồng lúa. Vụ cá này có thể có thu nhập cao hơn so với vụ lúa 3.
Nguồn: http://occa.mard.gov.vn
Cây dữ liệu:Dữ liệu liên quan:- Kết luận và kiến nghị về BĐKH với trồng trọt
- Đề xuất cơ chế chính sách lồng ghép và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu trong phát triển ngành nông nghiệp
- Đề xuất các biện pháp thích ứng cho các loại đất và vùng sinh thái khác nhau
- Đánh giá hiệu quả một số biện pháp thích ứng với BĐKH
- Đề xuất các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu trong nông nghiệp
- Hiệu quả chuyển giao giống cây trồng mới năng suất cao
- Hiệu quả từ các dịch vụ khuyến nông
- Nghiên cứu và phát triển các giống cây trồng mới
- Dự báo tổng thể tác động của BĐKH đối với một số cây trồng chính
- Đánh giá tác động tiềm ẩn đối với nông nghiệp Việt Nam do BĐKH
- Đánh giá chi phí xã hội do tăng đầu tư nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu
- Đánh giá thiệt hại do tác động của BĐKH đến nông nghiệp
- Lượng hóa tác động biến đổi khí hậu trong phát triển kinh tế quốc dân
- Tổng quan về nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến nông nghiệp tại Việt Nam
- Khái niệm CSA
- Liên kết website
- Thăm dò ý kiến
-
Bạn thấy nội dung trên chuyên trang CSA như thế nào?Phong phú, đa dạngTạm đượcCần bổ sung thêmBình chọnKết quả
Bạn thấy nội dung trên chuyên trang CSA như thế nào?
Tổng số:154 phiếu
|
|||
---|---|---|---|
Phong phú, đa dạng | 81,8 81,8% |
126 phiếu | |
Tạm được | 4,5 4,5% |
7 phiếu | |
Cần bổ sung thêm | 13,6 13,6% |
21 phiếu |
Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0243-8234651; FAX: 0243-7344967; Email: tt@mard.gov.vn
© Hệ thống cơ sở dữ liệu csa - Version 1.0
Được phát triển bởi Cty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển Tâm Việt