-
Báo cáo thiết kế mô hình
-
Báo cáo thiết kế mô hình CSA thâm canh bền vững lê Đài Loan cấp nông hộ
Ngày đăng: 27/04/2018Lượt xem: 1471Tên mô hình: Thâm canh bền vững lê Đài Loan cấp nông hộ Nhóm mô hình: CSA theo hướng thâm canh Địa điểm thực hiện: Thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang Cây trồng chính: Lê Tổng diện tích: 6,5 ha Thời gian thực hiện: Phố Bảng là một thị trấn biên giới của huyện Đồng Văn, có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.170 ha, phía Bắc của thị trấn tiếp giáp với Trung Quốc, có đường biên giới Việt – Trung dài 2,898 km; phía Nam giáp xã Phố Cáo; phía Tây giáp xã Phố Là, phía Đông giáp xã Sủng Là. Khu vực thị trấn Phố Bảng, huyện Đồng Văn nằm ở độ cao khoảng 1.450 m so với mực nước biển, có cấu tạo địa hình khá phức tạp, nằm giữa một vùng núi đá, có nhiều núi cao kết hợp với địa hình tương đối bằng phẳng, có đặc điểm thời tiết gió mùa vùng cao, mang nhiều sắc thái khí hậu ôn đới, rét đậm về mùa đông, mát mẻ về mùa hè, thuận lợi cho phát triển các loại cây trồng ôn đới.
Dân số toàn thị trấn là 2.931 người, với 558 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 38,17% tổng dân số, ảnh hưởng lớn đến khả năng đầu tư đồng bộ vào sản xuất.Theo khảo sát cho thấy, khu lựa chọn thực hiện mô hình thâm canh bền vững sản xuất lê Đài Loan có tưới với diện tích 6,5ha thuộc khu 1 và 2, thị trấn Phố Bảng, nằm tiếp giáp với chợ trung tâm thị trấn. Khu thực hiện mô hình được hình thành bởi các khu đồi nhỏ có đỉnh tròn bằng phẳng, sườn đồi có độ dốc 15 – 250. Hiện tại, mô hình có 26 hộ dân đang canh tác.
Hiện nay, cơ cấu cây trồng hiện nay tại khu lựa chọn xây dựng mô hình như sau: có khoảng 2ha đã trồng cây lê (cây 4 – 5 năm tuổi) và 4,5ha đang canh tác ngô. Các nông hộ đã tham gia HTX dịch vụ tổng hợp Nông lâm nghiệp Phó Bảng, đã được cán bộ khuyến nông huyện Đồng Văn, trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng tập huấn sản xuất cây Lê theo hướng VietGap. Tuy nhiên, việc chăm sóc vẫn dựa theo kinh nghiệm sản xuất, dẫn đến:
- Vườn trồng thiếu quy hoạch, cây trồng theo chủ quan của từng nông hộ nên cây trồng trên diện tích mô hình thiếu đồng bộ.
- Trong quá trình trồng và chăm sóc các giống lê bị nhiễm một số bệnh như: Bệnh chảy gôm (Phytophthora Citropthora), rỉ sắt(Tranzschelia discolor), thối xám quả(Botrytis cinerea), và một số sâu bênh hại như: Sâu đục thân (Chelidonium argentatum), sâuđục cành (Nadezhdiella cantori), nhện đỏ (Paratetranychus Citri), nhện trắng (Phyllocoptes oleivorus), rệp sáp (Planococcus citri), ruồi vàng hại quả (Bactrocera dorsalis).
- Cây sinh trưởng, phát triển kém
- Các biện pháp kỹ thuật được áp dụng trong trồng và chăm sóc cây lê còn hạn chế cần được khắc phục, gồm:
+ Thiết kế vườn:
Vườn trồng không được được thiết kế theo hàng, lô rõ ràng. Với địa hình đồi dốc (độ dốc >100), vào mùa mưa (tháng 5 – tháng 8) thường xảy ra mưa to gây xói mòn đất, rửa trôi chất dinh dưỡng có trong đất, hạn hán kéo dài vào mùa khô (tháng 10 – tháng 4 năm sau) làm giảm khả năng hút dinh dưỡng của cây trồng, ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh trưởng, phát triển của cây Lê.
Về mật độ, khoảng cách trồng: Diện tích đã trồng cây Lê có khoảng cách 3 x 3,5m, 2,5 x 3m tương đương mật độ cây khoảng 1000 – 1300 cây/ha. Mật độ, khoảng cách trồng cây không hợp lý, cây nhanh giao tán ảnh hưởng đến năng suất của cây Lê vào thời kỳ kinh doanh.
+ Về phương thức làm đất:
Phương thức làm đất chủ yếu là thủ công, tốn thời gian, công sức làm giảm hiệu quả kinh tế cây trồng.
+ Về phân bón:
Sử dụng phân vô cơ:100 % diện tích đã trồng Lê bón phân NPK. Thời kỳ kiến thiết cơ bản, bón từ 25 - 40kg phân đạm Urê, 70 - 90kg phân NPK Lâm Thao (tỷ lệ: 5.10.3), thời kỳ kinh doanh bón từ 80 – 100kg phân đạm Urê, 150 – 200 kg lân supe, 50 -70kg phân Kaliclorua cho 1 ha cây trồng trong 1 năm. Trong quá trình chăm sóc, phân bón theo kinh nghiệm và khả năng đầu tư của từng nông hộ, đa số thực hiện bón phân như sau: Bón lót trước khi trồng từ 0,2 – 0,3kg phân NPK lâm thao (tỷ lệ 5.10.3) trên 1 hố trồng; bón thúc phân đạm Urê chủ yếu được bón vào 2 đợt vào tháng 1 – 2, và tháng 4 – 5. Kỹ thuật bón phân không đúng như bón quá gần vào gốc cây hoặc quá xa hình chiếu của tán cây, đồng thời trong thời kỳ kiến thiết cơ bản đa số người dân bón trực tiếp trên đất. Đây là nguyên nhân giảm hiệu quả sử dụng phân bón của cây lê.
Sử dụng phân hữu cơ, vôi bột: 20 – 30% diện tích đã trồng được bón phân chuồng (phân trâu, bò) khi trồng cây với lượng từ 10 -15kg/hố trồng (5 – 5 tấn/ha), trong các năm tiếp theo thì phân chuồng không được sử dụng nữa. Đây là một trong những tồn tại lớn trong canh tác Lê tại địa phương.
- Về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại: Dịch hại được các hộ sản xuất quản lý theo kinh nghiệm. Do đặc điểm cây lê Đài Loan ít sâu bệnh hại nên trong chu kỳ 1 năm phun thuốc khoảng 2 – 3 lần vào các đợt lộc, có hộ dân không phun thuốc trong suốt một chu kỳ sản xuất dẫn đến sâu bệnh hại ảnh hưởng đến sinh trưởng cây trồng.
Chủng loại thuốc BVTV: Người trồng liên tục sử dụng các dạng thuốc trừ sâu, nhện thương phẩm có hoạt chất Cypermethrin, Fenobucarb … trộn lẫn với các dạng thuốc trừ bệnh có hoạt chất Sulfur, Macozeb,… để phòng trừ dịch hại. Trong đó, Cypermethrin là hoạt chất được sử dụng phổ biến với 50 – 60% diện tích. Đồng thời, Cypermethrin là thuốc nhóm độc II, có chỉ số tác động môi trường tương đối cao (EIQ 36,35), độc với ong, cá và các loại côn trùng có lợi. Nên việc sử dụng nhiều loại hoạt chất này, ngoài việc làm tăng chi phí sản xuất thì còn ảnh hưởng xấu rất lớn tới môi trường, sức khỏe người sản xuất.
Dụng cụ thu gom bao bì thuốc: Đa phần sau khi sử dụng sau thuốc BVTV, vỏ thuốc không được thu gom đúng nơi quy định làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và tăng phát thải khí ra môi trường.
- Mẫu mã sản phẩm:
Mẫu mã quả chưa đảm bảo tiêu chuẩn sản xuất hàng hóa do quả bị cháy nắng, bị ruồi vàng đục quả ảnh hưởng không nhỏ đến giá trị quả lê tại địa phương.
- Các biện pháp cắt tỉa, vin cành:
60 – 70% cây trên diện tích đã trồng đều không được cắt tỉa, vin cành hợp lý dẫn đến cây phát triển thẳng đứng, không có tán hoặc tán không đều. Việc không định hình tán cây thời kỳ kiến thiết cơ bản sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây lê thời kỳ kinh doanh. 30 – 40% cây trồng được cắt tỉa bằng dao, hoặc kéo, việc không dùng dụng cụ chuyên dụng cắt tỉa cành làm cành bị dập, sâu bệnh dễ xâm nhập.
- Phương thức tưới cho cây lê:
Phương thức tưới chủ yêu cho cây lê tại địa phương là phụ thuộc vào nước mưa (từ tháng 6 – 9), không có khả năng cung cấp nước tưới cho cây lê vào mùa khô (tháng 10 – Tháng 4 năm sau).
- Phương thức thu hoạch:
Diện tích cây Lê 4 - 5 năm tuổi (2ha) đã bắt đầu cho quả, 100% sản phẩm quả được thu hái bằng tay, sau khi thu hái quả được xếp vào gùi để vận chuyển. Việc không có công cụ thu hái và vận chuyển chuyên dụng làm quả có thể bị dập, xước ảnh hưởng đến mẫu mã quả, chất lượng quả sau khi thu hoạch.
- Về tình hình tiêu thụ sản phẩm nông sản sau thu hoạch:
Sản phẩm quả Lê hiện nay của huyện (khoảng 1536 tấn) mới chỉ đáp ứng được một phần cho khách du lịch và người tiêu dùng trong tỉnh. Giá quả lê tiêu thụ ngoài thị trường có giá tương đối thấp từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 25.000 đồng/kg. Trong vài năm trở lại đây đã có nhiều tư thương thu mua sản phẩm của người dân tại vườn để vận chuyển tiêu thụ tại các thị trường lân cận tuy nhiên chưa có sự liên kết sản xuất của các công ty và doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm của người dân làm ra.
- Về hiệu quả kinh tế:
Với năng suất bình quân 7,65 tấn/ha, giá bán trung bình là 15.000đ/kg thì tổng giá trị sản phẩm đạt 114,75 triệu đồng/ha. Sau khi trừ các chi phí vật tư phân bón, thuốc BVTV, công lao động thì thu nhập của người dân từ 50 – 60 triệu đồng/ha.
- Tình hình sử dụng lao động trong các giai đoạn:
Khoảng 60 – 70% các công đoạn trong sản xuất như: đào hố, trồng cây, chăm sóc và thu hoạch đều được thực hiện bởi phụ nữ. Trong đó, giai đoạn sử dụng nhiều lao động nữ là làm cỏ, bón phân và thu hoạch. Do sử dụng phương thức làm cỏ và thu hoạch bằng phương thức thủ công, nên việc hỗ trợ công cụ máy cắt cỏ, dụng cụ thu hái sẽ góp phần giảm được công lao động cho chị em phụ nữ.
- Hoạt động của tổ chức dùng nước/hợp tác xã:
Tính đến quý 3 năm 2016, khu lựa chọn thực hiện mô hình đã thành lập được HTX dịch vụ tổng hợp Nông lâm nghiệp Phó Bảng với tổng số 66 thành viên, trong đó có 1 chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, 2 Phó giám đốc, kế toán, tổ ẩm thực, tổ sản xuất rau, tổ sản xuất cây ăn quả, tổ sản xuất hoa, cây cảnh và các thành viên. HTX hoạt động theo quy chế chung có trách nhiệm liên kết các thành viên sản xuất nông nghiệp nói chung, giúp đỡ hướng dẫn thành viên thực hiện sản xuất Lê an toàn nói riêng; là cầu nối cho liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) giúp người nông dân tiếp cận với những giống cây trồng mới có năng xuất, chất lượng cao. Tuy nhiên, HTX mới thành lập nên còn hạn chế trong công tác quản lý và điều hành, dẫn đến thiếu sự gắn kết giữa các thành viên, chưa định hướng được loại cây trồng chủ lực trong phát triển, chưa tạo được mối liên kết với doanh nghiệp về hỗ trợ người nông dân trong thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, nông hộ sản xuất lê vẫn dựa trên kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác,… và thị trường. Vì vậy, HTX dịch vụ tổng hợp Nông lâm nghiệp Phó Bảng rất cần sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật sản xuất, đầu ra sản phẩm để tăng hiệu quả kinh tế nông hộ.
Chi tiết xem tại tệp đính kèmTệp đính kèm:
4.12.2017 TKCT MH Lê Phố Bảng_Chính thức.docxDữ liệu liên quan:- Báo cáo thiết kế mô hình trồng mới giống cam sành sạch bệnh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Vĩ Thượng huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang
- Báo cáo thiết kế mô hình CSA thâm canh cải tạo vườn cam sành giai đoạn sản xuất kinh doanh tại xã Yên Hà, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang
- Báo cáo thiết kế mô hình CSA nâng cao năng lực và hỗ trợ trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng, Hà Giang
- Báo cáo thiết kế mô hình CSA trồng mới giống cam sành sạch bệnh, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên
- Báo cáo thiết kế nâng cao năng lực và hỗ trợ trung tâm khoa học kỹ thuật giống cây trồng đạo đức sản xuất và cung ứng giống cây trồng chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất trong khu vực
- Báo cáo thiết kế mô hình CSA thâm canh cải tạo vườn cam sành giai đoạn sản xuất kinh doanh tại xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang
- Báo cáo thiết kế mô hình CSA thâm canh bền vững sản xuất rau an toàn cấp nông hộ
- Báo cáo thiết kế mô hình CSA thâm canh bền vững sản xuất hồng không hạt Yên Minh cấp nông hộ tại xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang
- Liên kết website
- Thăm dò ý kiến
-
Bạn thấy nội dung trên chuyên trang CSA như thế nào?Phong phú, đa dạngTạm đượcCần bổ sung thêmBình chọnKết quả
Bạn thấy nội dung trên chuyên trang CSA như thế nào?
Tổng số:155 phiếu
|
|||
---|---|---|---|
Phong phú, đa dạng | 81,3 81,3% |
126 phiếu | |
Tạm được | 4,5 4,5% |
7 phiếu | |
Cần bổ sung thêm | 14,2 14,2% |
22 phiếu |
Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Địa chỉ: Số 2 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội
Điện thoại: 0243-8234651; FAX: 0243-7344967; Email: tt@mard.gov.vn
© Hệ thống cơ sở dữ liệu csa - Version 1.0
Được phát triển bởi Cty TNHH Tư vấn đầu tư và phát triển Tâm Việt